Tìm kiếm

TIN TỨC

Luật sư tham gia tố tụng: Không cần cấp giấy?

Thứ tư, 10/10/2012, 17:00 GMT+7


Bản thân giấy chứng nhận bào chữa không có ý nghĩa gì nếu Hiến pháp đã xác định quyền được bào chữa của công dân là một trong các quyền cơ bản.
Ngày 10-5, tại hội thảo góp ý sửa đổi Luật Luật sư do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến đã đề nghị bỏ hẳn quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Mặt khác, thời gian đào tạo học chứng chỉ hành nghề nên rút ngắn hơn hoặc bỏ hẳn...
Theo dự thảo sửa đổi, việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư được rút ngắn từ ba ngày xuống còn một ngày. Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ luôn chứ rút ngắn thời gian cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Chỉ cần bị can đồng ý?
Về thực trạng cấp giấy chứng nhận bào chữa hiện nay, luật sư Phan Trung Hoài (đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận xét: “Rất phức tạp! Rất nhiều luật sư kêu ca bị làm khó bởi sau khi được thân nhân bị can nhờ, họ đến đề nghị cấp giấy thì cơ quan điều tra hẹn tới hẹn lui hoặc từ chối thẳng “Luật sư cứ về đi, bị can nói chưa cần luật sư”... Việc từ chối này rất mơ hồ bởi chỉ thông qua lời của điều tra viên, luật sư không được gặp trực tiếp bị can nên không thể biết ý chí thật của họ ra sao”.
Theo luật sư Hoài nên bỏ luôn quy định về việc cấp giấy chứng nhận bào chữa trong tố tụng hình sự. Luật sư Hoài nhấn mạnh: “Không có lý gì khi luật sư thực hiện quyền bào chữa của công dân được Hiến pháp quy định mà lại phải đi xin xỏ các cơ quan tố tụng. Vô lý quá! Ở các nước khác không hề có thủ tục cấp giấy như chúng ta”.
Nhiều ý kiến cho rằng nên  bỏ hẳn quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Ảnh: HTD
Kiểm sát viên Trần Ngọc Lãm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao tại TP.HCM) cũng cho rằng bản thân giấy chứng nhận bào chữa không có ý nghĩa gì nếu Hiến pháp đã xác định quyền được bào chữa của công dân là một trong các quyền cơ bản. Việc bản thân người dân tự bào chữa hay nhờ luật sư chỉ là hình thức thể hiện, còn luật sư bào chữa tốt hay không thì tùy thân chủ đánh giá. Do đó khi luật sư được nhờ thì chỉ cần có ý kiến của bị can là xong, không cần phải cơ quan tố tụng cấp giấy mới được bào chữa. Thực tế xét xử cho thấy việc cấp giấy chứng nhận rườm rà, ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Đã có những phiên xử phải hoãn chỉ vì lý do lãng xẹt là chờ luật sư được tòa cấp giấy cho đúng thủ tục...
Tuy nhiên, theo Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), đây lại là một thủ tục cần thiết trong tố tụng hình sự, giống như để bước vào nhà người khác thì khách phải có điều kiện nhất định. Tuy nhiên, ông cho rằng không nên dùng cụm từ “giấy chứng nhận người bào chữa” vì nó nặng nề, nên gọi bằng một tên khác. Cạnh đó, phải quy định một thủ tục cấp giấy khác đơn giản hơn vì thủ tục hiện nay đúng là đang gây khó khăn cho giới luật sư.
Cũng theo ông Long, không chỉ sửa Luật Luật sư mà phải sửa cả các luật khác có liên quan. Chẳng hạn BLTTHS quy định mỗi giai đoạn tố tụng, luật sư phải xin cấp giấy riêng, cần sửa lại theo hướng chỉ cần xin cấp một lần là luật sư có thể tham gia tố tụng xuyên suốt từ giai đoạn điều tra đến thi hành án. Mặt khác, BLTTHS cũng không có quy định cấp giấy cho các giai đoạn tố tụng khác, chỉ có quy định về cấp giấy chứng nhận bào chữa tại tòa nên vô tình gây khó khăn cho luật sư.
Bỏ thời gian đào tạo, tăng thời gian tập sự?
Hiện Luật Luật sư quy định thời gian đào tạo chứng chỉ hành nghề luật sư do Học viện Tư pháp chủ trì là sáu tháng. Dự thảo sửa đổi tăng gấp đôi thời gian này lên thành một năm.
Theo hai luật sư Trần Mỹ Thoa và Nguyễn Bảo Trâm (Đoàn Luật sư TP.HCM), sửa đổi như vậy không phù hợp. Hai luật sư này lý giải: Thời gian học chứng chỉ dù sao cũng chỉ là học lý thuyết, trong khi với nghề luật sư, thời gian tập sự, đụng chạm công việc mới quan trọng. Quá trình học như hiện nay rồi tập sự đã đủ để người tập sự “thấm”, không cần phải bắt họ học thêm lý thuyết vừa mất thời gian, vừa không tăng chất lượng đào tạo. Luật sư Bảo Trâm còn cho rằng chỉ nên tăng thời gian tập sự từ 18 tháng lên 24 tháng để người tập sự có thêm thời gian trau dồi kỹ năng nghề nghiệp.
Đồng tình, luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Không có gì bảo đảm, cũng không có thống kê nào cho thấy nếu kéo dài thêm sáu tháng đào tạo thì chất lượng tập sự tăng lên. Hơn nữa nghề luật sư là nghề phải học suốt đời chứ không phải thêm sáu tháng là có thể giỏi nghề hơn. Việc tăng thời gian đào tạo chỉ tạo thêm gánh nặng cho người tập sự, gây mất thời gian, tốn kém tiền bạc.
Mạnh dạn hơn, luật sư Nguyễn Hữu Danh (Đoàn Luật sư TP.HCM) còn đề xuất bỏ luôn thời gian đào tạo, chỉ tăng thời gian tập sự lên tối thiểu 24 tháng. Ông nói hơn bốn năm học tại trường luật, sinh viên đã được học các chuyên ngành có đủ lý thuyết. Trong khi đó, Học viện Tư pháp cũng chỉ đi thuê các luật sư làm giáo viên nên thực chất thời gian theo học chứng chỉ của người tập sự cũng không khác gì việc theo học một luật sư đàn anh như lúc tập sự.
Trái lại, giảng viên Lê Vũ Nam (khoa Luật Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM) nhận xét bỏ luôn quá trình đào tạo là không được vì kiến thức trong trường luật chỉ là khối kiến thức cơ bản, tổng quát, chưa thể ứng dụng vào làm việc chuyên ngành. Nếu cho cử nhân luật đi tập sự luật sư ngay thì họ không đủ kiến thức để thẩm thấu nghề, không đủ trình độ lý luận khi hành nghề...
Để cơ quan nào cấp thẻ luật sư?
Theo Điều 65 Luật Luật sư, việc cấp thẻ luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam đảm nhiệm. Chuyện này đang gây tranh cãi với hai luồng quan điểm: Có ý cho rằng nên giao cho đoàn luật sư các địa phương cấp thẻ theo mẫu của Liên đoàn. Việc này sẽ giảm tải công việc cho Liên đoàn, giúp Liên đoàn tập trung vào chức năng quản lý. Ngược lại, nhiều ý kiến khác nói thẻ là hình ảnh, là niềm tự hào trong nghề nghiệp của luật sư. Để Liên đoàn cấp thẻ thì bản thân luật sư thấy tự hào hơn, vinh hạnh hơn và vị thế của họ cũng được tôn trọng hơn...
Không nên lập chi đoàn luật sư
Dự thảo sửa đổi quy định nếu đoàn luật sư nào có từ 500 luật sư trở lên thì được quyền thành lập các chi đoàn trực thuộc. Tôi cho rằng như vậy là không nên vì nó không hướng tới sự thống nhất, tập trung mà lại tăng tính rườm rà, manh mún. 500 luật sư không phải là nhiều đến mức khó quản lý nên không có lý do gì thành lập thêm một cấp chi đoàn trực thuộc đoàn. Tôi ví dụ bang California (Mỹ) có tới 230.000 luật sư nhưng họ vẫn quản lý tốt. Cho nên trình độ quản lý không thể hiện ở chuyện chia nhỏ mà là phương pháp điều hành.
Luật sư NGUYỄN HẢI NAM,  Đoàn Luật sư TP.HCM
Đoàn có thể kiểm tra tập sự
Theo tôi, cần sửa khoản 2 Điều 15 Luật Luật sư theo hướng trao quyền kiểm tra kết quả tập sự cho đoàn luật sư thay vì Liên đoàn. Vì đoàn có quyền cấp giấy chứng nhận tập sự thì cho họ rà soát kết quả cũng là hợp lý. Hơn nữa hiện nay bản thân Liên đoàn làm không xuể nhiệm vụ này, dẫn đến dồn ứ, chậm trễ trong mỗi đợt thi hết khóa. Cạnh đó chứng chỉ hành nghề cũng nên cho Liên đoàn cấp thay vì Bộ Tư pháp bởi bản chất của nó cũng chỉ là một văn bằng xác nhận chuyên môn nên một tổ chức hành nghề như Liên đoàn cấp là phù hợp.
Giảng viên LÊ VŨ NAM
khoa Luật Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM

Người viết : THANH TÙNG